3-       Tại sao thế giới tân tiến ngày nay cần đến "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại"?         

            "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại là trung tâm điểm của tạo vật và của lịch sử" như vậy, nên thế giới tân tiến ngày nay cần đến Người hơn bao giờ hết, vì trong mùa vọng mới của Giáo Hội này,

- Thế giới tân tiến đang sống trong lo âu sợ hãi bởi cái họ làm ra;

- Thế giới tân tiến đang phàt triển trong một mối đe dọa bị mất đi chính mình bằng nhiều  hình thức;

- Thế giới tân tiến đang vi phạm đến quyền lợi của con người được chính mình phác họa ra. 

Thế giới tân tiến đang sống trong lo âu sợ hãi bởi cái họ làm ra

            "Con người ngày nay hình như chưa bao giờ bị đe dọa bởi cái họ làm ra như vậy, nghĩa là từ thành qủa của việc do bàn tay họ làm, và còn hơn thế nữa, của công việc do lý trí con người nghĩ ra cũng như của những khuynh hướng do ý con người muốn. Tất cả những gì do hoạt động đa diện này của con người sản xuất ra, thường bằng một đường lối không thể nào thấy trước được, rất là nhanh chóng, chẳng những nó gây nên 'sự tách biệt' (alienation), ở chỗ nó thường lấy đi khỏi con người là tác nhân sản xuất ra chúng, mà hơn thế nữa, nó còn trở mặt phản lại chính con người, ít là một phần nào đó, qua những hậu quả gián tiếp nó tác dụng khi trả về cho họ. Nó được và có thể được nhắm thẳng vào con người. Điều này có thể tạo nên một màn thảm kịch chính yếu cho việc hiện hữu con người ngày nay trong một chiều kích rộng nhất và phổ quát của nó. Bởi thế, con người đang sống trong nỗi sợ hãi gia tăng. Họ sợ cái họ sản xuất ra - dĩ nhiên không phải là tất cả những cái ấy, hay hầu hết những thứ ấy, nhưng là một phần của nó, đích xác hơn là cái phần chứa đựng một thừa hưởng đặc biệt bởi tài năng và sự sáng tạo của họ - có thể phản lại chính họ tận gốc rễ; họ sợ rằng nó có thể trở thành phương tiện và dụng cụ cho một cuộc tự diệt không thể nào tưởng tượng nổi, so với tất cả những hủy hoại dữ dội và những hủy diệt bất ngờ trong lịch sử mà chúng ta biết đến thì chỉ là một bóng mờ. Điều này gợi lên một vấn đề là: Tại sao quyền năng được ban cho con người từ ban đầu để họ làm chủ trái đất (cf. Gen 1:28) lại quay ra chống lại họ, gây ra một tình trạng bất an không sao hiểu được, một nỗi sợ hãi ý thức hay vô thức, cũng như một mối nguy hiểm, mà trong những cách thức khác nhau, được truyền lan đến cả gia đình nhân loại ngày nay, và đang thể hiện dưới những phương diện khác nhau?...

            "Việc phát triển về kỹ thuật và về văn minh hiện đại, được đánh dấu bằng tình trạng dẫn đầu của kỹ thuật, đòi phải có một phát triển cân xứng về luân lý và đạo đức. Đối với ngày nay thì việc phát triển về luân lý và đạo đức này, bất hạnh thay, luôn luôn bị quên sót..." (đoạn 15).

Thế giới tân tiến đang phát triển trong một mối đe dọa bị mất đi chính mình bằng nhiều hình thức

            "Bởi thế, nếu trong thời điểm của chúng ta, thời điểm đang tiến đến tận cùng đệ nhị thiên niên của kỷ nguyên Kitô giáo, tỏ ra mình là một thời điểm phát triển lớn lao, thì nó cũng được thấy như là một thời điểm của mối đe dọa đối với con người bằng nhiều hình thức... Tình trạng của con người trong thế giới tân tiến này thật sự xa rời khỏi những đòi hỏi khách quan của trật tự luân lý, khỏi những đòi hỏi của công lý, và còn hơn thế nữa, của tình yêu thương trong xã hội... Ý nghĩa chính yếu của 'vương chức' (kingship) và 'chủ quyền' (dominion) của con người trên thế giới hữu hình mà Chính Tạo Hóa trao cho con người như công việc của họ, hệ tại việc đạo đức ưu tiên hơn kỹ thuật, con người chính yếu hơn sự vật, và tinh thần trọng hơn vật chất.

            "Đây là lý do tại sao tất cả những giai đoạn của việc phát triển hiện nay phải được cẩn thận theo dõi. Mỗi một giai đoạn của việc phát triển đó, có thể nói, được rọi chiếu (x-rayed) từ quan điểm này (quan điểm vừa được nhắc đến ở câu cuối cùng đoạn trên đây). Vấn đề là con người thăng tiến không phải chỉ là việc tăng bội những sự vật mà người ta có thể hưởng dụng. Nó là một vấn đề - như một triết gia hiện đại đã nói cũng như Công Đồng đã phát biểu - không phải 'có hơn' (having more) mà 'là hơn' (being more) (Gaudium et Spes, đoạn 35). Thật vậy, đã có thể thấy được một cơn nguy biến ở chỗ, trong khi việc con người làm chủ trên thế giới sự vật đang tạo nên những phát triển khổng lồ, thì họ liều mất đi những cái cốt yếu làm nên chủ quyền của mình, và bằng nhiều cách thức khác nhau, để cho nhân tính của mình lụy thuộc vào thế gian, rồi chính mình cũng trở nên một vật làm tôi phục vụ cho sự lạm dụng dưới nhiều hình thức - sự lạm dụng này thường không trực tiếp thấy được - qua toàn thể cơ cấu của cuộc sống chung, qua hệ thống sản xuất và qua áp lực từ phương tiện truyền thông xã hội. Con người không thể nào vùi dập bản thân mình hay vị trí của mình trong cái thế giới hữu hình là một thế giới thuộc về họ; họ không thể nào trở nên nô lệ cho sự vật, nô lệ cho những cơ cấu kinh tế, nô lệ cho việc sản xuất, nô lệ cho những sản phẩm riêng của mình" (đoạn 16). 

Thế giới tân tiến đang vi phạm đến quyền lợi của con người được chính mình phác họa ra

            "Thế kỷ này, cho đến nay, vẫn là một thế kỷ của những hủy hoại lớn lao đối với con người, của những tàn phá vĩ đại, chẳng những về vật chất mà còn cả về luân lý, thực sự là thế, có lẽ trên hết là về mặt luân lý. Đồng ý là, về phương diện này, việc so sánh thời đại này hay thế kỷ này với thời đại khác hay thế kỷ khác không phải là một việc dễ dàng, vì điều này còn lệ thuộc vào những tiêu chuẩn lịch sử. Tuy nhiên, dù không mang ra so sánh chăng nữa, người ta cũng không thể nào không nhận thấy rằng thế kỷ này, cho tới nay, vẫn là một thế kỷ mà người ta đã gây ra cho nhau nhiều bất công và khổ đau. Diễn tiến này đã được dứt khoát chế ngự chưa? Dầu sao đi nữa, về điểm này, chúng ta cũng không thể nào không nhớ lại, bằng một nhận thức và hy vọng sâu xa hướng về tương lai, một nỗ lực sáng chói đã ban sức sống cho Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, một nỗ lực dẫn đến việc định nghĩa và thiết lập những quyền lợi khách quan và bất khả xâm phạm của con người, mà những chính quyền là phần tử trong tổ chức này buộc nhau phải cương quyết tuân hành. Cuộc dấn thân nỗ lực này đã được hầu hết mọi chính quyền hiện nay chấp nhận và ưng chuẩn, sự kiện này tạo nên một bảo đảm về quyền lợi con người, làm nó thành một nguyên tắc hoạt động cho an sinh của con người trên khắp thế giới...

            "Bất chấp những luận cứ (premises) này, các quyền lợi con người vẫn đang bị vi phạm bằng nhiều hình thức, khi mà, trong thực hành, chúng ta thấy trước mắt có những trại tập trung, bạo lực, hành hạ, khủng bố, và kỳ thị dưới nhiều thể cách, thì sự kiện này phải là hậu quả của những chủ trương khác đang gặm nhấm và hầu như thường vô hiệu hóa những nền tảng nhân bản của những tổ chức và dự án hoạt động tân tiến này. Đối với hiện trạng như thế, cần phải có một trách nhiệm trong việc liên tục điều chỉnh những dự án hoạt động, dựa trên quan điểm về các quyền lợi khách quan và bất khả xâm phạm của con người.

            "Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền gắn liền với việc thành lập Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, chắc chắn theo mục tiêu của mình, không những bắt nguồn từ những kinh nghiệm kinh hoàng gây ra bởi Thế Chiến vừa qua, mà còn nhắm đến việc tạo nên một căn bản để liên tục điều chỉnh những dự án hoạt động, những tổ chức và những chế độ, được thực sự dựa trên quan điểm căn bản duy nhất này, tức là dựa trên tình trạng an sinh của con người - hay chúng ta cũng có thể nói là dựa trên con người trong cộng đồng - là cái mà, như một yếu tố chính yếu trong vấn đề công ích, tạo nên một tiêu chuẩn thực sự cho tất cả mọi dự án hoạt động, mọi tổ chức và mọi thể chế. Nếu xẩy ra ngược lại như thế, thì cuộc sống con người, ngay cả trong thời bình, phải gánh chịu những khổ đau khác nhau, rồi cùng với những đau khổ này, còn phát triển những hình thức khác nhau của việc thống trị (dominion), của chế độ độc tài chuyên chế (totalitarianism), của chế độ tân thực dân (neocolonialism) và của chế độ đế quốc (imperialism), làm nên một mối đe dọa cho cuộc sống hòa hợp với nhau giữa các quốc gia. Thật vậy, nó là một sự kiện quan trọng, được kinh nghiệm lịch sử xác nhận đi xác nhận lại, cho thấy là việc vi phạm đến quyền lợi của con người đi liền với việc vi phạm đến quyền lợi của các nước, nơi con người hiệp lại bằng những liên hệ có tổ chức như là một gia đình lớn hơn...

            "... Thật thế, những mối lo âu sợ hãi rất thường gợi lên cho chúng ta thấy rằng chúng ta còn xa vời với việc hiện thực hóa (nhân quyền) này, và, có những lúc, tinh thần của đời sống xã hội công cộng lại đi ngược một cách đau xót với 'chữ nghĩa' của nhân quyền. Tình trạng của những sự thể này đang đè nặng trên những tổ chức liên hệ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với họ cũng như đối với lịch sử con người trong việc góp phần hình thành nó" (đoạn 17).